Từ hàng nghìn năm trước, vào thời Hy Lạp cổ đại, “Ngày Của Mẹ” đã bắt đầu được tổ chức như một dịp đặc biệt. Đó là lễ hội tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, thường diễn ra vào thời điểm Xuân Phân (khi mặt trời ở gần xích đạo nhất). Trong khi đó tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Đồng thời những người con cũng chuẩn bị những món quà để tặng mẹ của mình.
Ngày nay, Ngày Của Mẹ nổi tiếng nhất, được công nhận cũng như hưởng ứng rộng rãi nhất là Ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm – Mother’s Day xuất phát từ Mỹ. Người có công đi đầu hình thành và khởi xướng “Ngày Của Mẹ” là hai phụ nữ người Mỹ, bà Ann Maria Reeves Jarvis và con gái của bà là Anna Marie Jarvis. Từ cảm hứng và nghị lực mạnh mẽ được nuôi dưỡng và truyền lại từ người mẹ của mình, Anna Marie Jarvis đã không ngừng nỗ lực và cuối cùng đã tổ chức thành công “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) đầu tiên tại nhà thờ Andrews Methodist Church vào năm 1908. Về mặt pháp lý, sau khi được Quốc hội nhị viện thông qua và Tổng Thống Woodrow Wilson ký quyết định, ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm năm 1914 trở thành “Ngày Của Mẹ” đầu tiên được công nhận và tổ chức kỷ niệm trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Và cẩm chướng – loài hoa đã từng được Anna Marie Jarvis sử dụng để tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình trong Ngày Của Mẹ đầu tiên đã trở thành loài hoa biểu trưng cho ngày đặc biệt này.
Với nhiều ý nghĩa khác nhau của từng màu hoa, cẩm chướng đỏ nhạt là lòng cảm phục, cẩm chướng đỏ sậm là tình yêu sâu đậm, cẩm chướng trắng là sự tinh khiết, ngọt ngào và nhẫn nại, cẩm chướng hồng là bày tỏ lòng tri ân, một bó hoa cẩm chướng đủ màu sắc thể hiện tình cảm trọn vẹn mà một người con hiếu thảo dành tặng mẹ của mình. Tuy nhiên, theo phong tục của người Úc, cẩm chướng vàng chỉ được dùng để tặng những người mẹ đang còn bên cạnh bạn. Để tưởng nhớ những người mẹ đã quá cố, người Úc sẽ dùng cẩm chướng trắng. Vào ngày này, trẻ em Úc thường dậy sớm làm tặng mẹ đồ ăn sáng và mang đến bên giường ngủ, đánh thức mẹ dậy và mời mẹ thưởng thức.
Ở Anh, Ngày Của Mẹ được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ tư của mùa chay vào khoảng cuối tháng 3. Đó thường là một buổi tiệc nhỏ tại nhà của cha mẹ với thiệp mừng, bánh gato, hoa quả, rượu và những món quà. Những người con dù ở sống cách xa bao nhiêu cũng cố gắng sắp xếp trở về tụ họp đông đủ và tặng mẹ những món quà ý nghĩa.
Ở Ấn Độ, Ngày Của Mẹ được gọi là Durga Puja, trong đó “Durga” là tên của một nữ thần bảo vệ cho người dân Ấn Độ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Người Ấn Độ tổ chức Ngày Của Mẹ như một lễ hội lớn vào tháng Mười và liên tục trong vòng mười ngày. Ngoài những món quà ý nghĩa dành tặng mẹ vào dịp này, những người con Ấn Độ sẽ vào bếp trổ tài nấu ăn để bày tỏ tình yêu và sự biết ơn đối với người mẹ đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày để sinh ra mình.
Còn ở Tây Ban Nha, Ngày Của Mẹ là ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm. Người Tây Ban Nha trưởng thành thường tặng mẹ socola, thiệp chúc mừng hay một món quà ý nghĩa nào đó. Còn trẻ em thì tự tay làm tặng mẹ những tấm thiệp hoặc những món quà “hand made” đơn giản, ngộ nghĩnh.
Ở Nhật Bản, vào Ngày Của Mẹ, trẻ em sẽ vẽ những bức tranh dành tặng cho mẹ của mình và tập hợp lại thành một cuộc triển lãm nhỏ nói với chủ đề “Tình Mẫu Tử”, tôn vinh sự hi sinh thầm lặng của các bà mẹ Nhật.
Ở Việt Nam chúng ta, vào ngày Lễ Vu Lan – rằm tháng 7 âm lịch, những người con sẽ bày tỏ tình yêu, sự hiếu thảo, lòng biết ơn với mẹ của mình. Hoa hồng đỏ cài áo là tượng trưng cho những người con may mắn khi vẫn còn có mẹ. Hoa hồng trắng là để tưởng nhớ những người mẹ đã qua đời. Tuy nhiên bên cạnh Lễ Vu Lan, ngày nay Mother’s Day – Ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm ngày càng được phổ biến và được các bạn trẻ hưởng ứng rộng rãi, coi đây là một dịp đặc biệt khác để thể hiện tình cảm của mình dành cho mẹ. Hoa, những tấm thiệp, những món quà nhỏ xinh nhưng ý nghĩa là những sự lựa chọn phổ biến nhất thường thấy trong ngày này. Cùng với đó là sự ấm áp từ tình mẫu tử lan tỏa khắp nơi nơi…